Nam Định: Tổ chức đào tạo thuyền viên đáp ứng vận hành tàu cá đóng theo Nghị định 67

Vừa qua, Sở Nông nghiệp và PTNT Nam Định đã ký hợp đồng với Viện Khoa học và Công nghệ khai thác thủy sản (Trường Đại học Nha Trang) tổ chức đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu kịp thời đào tạo kỹ năng vận hành tàu vỏ thép cho ngư dân.
tau67bdSau hơn 3 năm triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP, thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác trên các vùng biển xa, trong thời gian vừa qua đã thúc đẩy phát triển khá mạnh các tàu có công suất lớn, nhiều tàu cá vỏ thép, vỏ composite có trang bị hiện đại được ngư dân mạnh dạn đầu tư đóng mới. Đến nay đã phát triển nhanh chóng về số lượng tàu cá xa bờ và lực lượng thuyền viên tham gia hoạt động sản xuất trên biển. Tính đến nay, cả nước đã đóng mới được 925 tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP có công suất từ 400 CV trở lên, đội tàu cá có trang bị hiện đại, đảm bảo hoạt động dài ngày trên biển. Do đó, việc hướng dẫn, đào tạo kỹ năng vận hành tàu vỏ thép và tuyên truyền nâng cao ý thức cho ngư dân trong khai thác thủy hải sản là nhiệm vụ cần thiết, cấp bách. Việc này không chỉ giúp cho ngư dân vận hành tàu an toàn trong mỗi chuyến đi biển mà còn giúp việc khai thác thủy hải sản đạt hiệu quả kinh tế cao, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của quê hương.

Tuy nhiên, để vận hành một chiếc tàu vỏ thép công suất lớn với những thiết bị máy móc hiện đại trên tàu đối với ngư dân phức tạp hơn so với vận hành tàu vỏ gỗ cũ. Nếu không được đào tạo những kỹ năng vận hành cơ bản thì khi điều khiển tàu vỏ thép ra khơi ngư dân sẽ gặp khó khăn, ảnh hưởng đến an toàn của thuyền viên cũng như hiệu quả của chuyến khai thác.

Vừa qua, nhằm đáp ứng yêu cầu kịp thời đào tạo kỹ năng vận hành tàu vỏ thép cho ngư dân, Sở Nông nghiệp và PTNT Nam Định đã ký hợp đồng với Viện Khoa học và Công nghệ khai thác thủy sản (Trường Đại học Nha Trang) tổ chức đào tạo; chỉ đạo Chi cục Thủy sản Nam Định phối hợp với UBND các huyện ven biển tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân đăng ký tham gia lớp đào tạo thuyền viên vận hành tàu vỏ thép, hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm sau khai thác.

Trong quá trình đào tạo, các thuyền viên sẽ được trau dồi những kỹ năng vận hành tàu vỏ thép hay các loại vật liệu mới, cách sử dụng hiệu quả hệ thống thiết bị định vị, máy dò cá, thiết bị thu – thả lưới; kỹ năng xử lý các tình huống trong quá trình khai thác, vận hành; các kỹ năng về đảm bảo an toàn, an ninh trên tàu; kiến thức về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.

Trong năm 2018, Chi cục Thủy sản dự định sẽ tổ chức hướng dẫn, đào tạo cho khoảng 150-200 thuyền viên. Hầu hết ngư dân được đào tạo đã vận dụng tốt kiến thức vào đánh bắt, vận hành phương tiện đạt hiệu quả. Ngư dân đã qua đào tạo không còn lệ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ, ứng cứu của đất liền khi tàu bị sự cố máy móc thông thường. Không những thế, việc đào tạo này giúp ngư dân đỡ tốn chi phí tiêu hao nhiên liệu, kéo dài thời gian đánh bắt trên biển, nắm vững các kỹ thuật bảo quản thủy sản… nên hiệu quả kinh tế mỗi chuyến ra khơi được nâng lên.

(Theo Trang TTĐT Tổng Cục Thủy sản)

 

Tin Liên Quan